Trong quá trình làm việc hẳn sẽ có những lúc đồng nghiệp nói hoặc có những hành động khiến bạn khó chịu. Việc bạn cần làm là phải đưa ra ý kiến của mình và góp ý sao cho hợp tình hợp lý nhất mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt với mọi người.
Nhưng để góp ý cho người khác hiểu và “tâm phục khẩu phục” thì bạn cần phải thật khéo léo và phải cho họ thấy được sự chân thành.
Dưới đây là 5 cách giúp bạn góp ý với động nghiệp hiệu quả nhất
1. Nói chuyện riêng với đồng nghiệp
Việc góp ý với một ai đó thường mang cảm giác hơi căng thẳng, người được góp ý có tâm trạng không được vui vẻ cho lắm. Do đó, trong không khí không mấy tốt đẹp như vậy thì cách tốt nhất bạn nên làm là nói chuyện riêng với họ, tránh để người khác thấy cuộc nói chuyện của hai người.
Ngoài ra, góp ý riêng với đồng nghiệp, nghe họ trình bày những khó khăn hoặc những khúc mắc của bản thân trong quá trình làm việc hoặc mối quan hệ với các đồng nghiệp khác cũng giúp bạn hiểu họ hơn.
2. Trình bày ngắn gọn, xúc tích
Khi có chuyện khó nói chúng ta thường nói vòng vo và không đưa ra mục đích chính của cuộc nói chuyện.
Đó là một cách nói giảm nói tránh hiệu quả, nhưng khi góp ý với người khác, bạn nên nói rõ ràng để họ có thể hiểu một cách nhanh chóng và đúng với những gì họ nói.
Nếu dùng cách nói vòng vo thì rất dễ khiến góp ý của bạn đi đến một hướng khác vì người nghe không hiểu là bạn đang muốn nói gì.
Do đó, hãy trình bày một cách ngắn gọn nhất có thể mà vẫn khéo léo và mềm mỏng nhất có thể để họ không bị tổn thương trước những lời nói của bạn.
3. Dành thời gian để họ chia sẻ
Khi hai bên cùng nhau chia sẻ ý kiến với nhau thì tốt nhất bạn nên dành thời gian cho họ có thể nêu lên ý kiến của mình, để thấy được họ đang nghĩ gì về điều mình vừa góp ý và cũng là để hai bên cùng hiểu nhau hơn.
Khi cho họ cơ hội được chia sẻ quan điểm cũng chính là cách bạn đang giúp mình trở thành người hiểu lý lẽ và biết cư xử trong mắt người khác.
4. “Lựa lời mà nói”
Hẳn là khi góp ý với ai đó, câu nói/từ ngữ của bạn sẽ được truyền tải đến họ. Do đó, nếu bạn dùng những từ chung chung sẽ khiến họ không hiểu ý của bạn là gì, còn nếu bạn dùng những từ quá gay gắt hoặc có tính miệt thị họ thì sẽ dễ gây nên hiểu lầm không đáng có.
Thế nên, trước khi góp ý với bất kỳ ai thì bạn nên “uốn lưỡi” trước khi nói, đọc lại nhiều lần khi viết để tránh gây ra những rắc rối không đáng có.
5. Góp ý gián tiếp
Đây là sự lựa chọn cuối cùng nếu bạn không thể dùng những cách nói chuyện trực tiếp ở trên.
Việc góp ý gián tiếp, qua mail, gửi thư hay tin nhắn nghe có vẻ đơn giản và dễ dàng hơn vì bạn không phải gặp mặt họ trực tiếp.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ thì đó không hề đơn giản một chút nào. Bạn phải có cách diễn đạt gãy gọn nhất, câu từ dễ hiểu, làm rõ vấn đề nhưng phải thật khéo léo và tinh tế để tránh việc bạn nói một điều mà người khác hiểu một nẻo.
Góp ý với đồng nghiệp là một việc không dễ nhưng với 05 cách góp ý với đồng nghiệp ở trên cùng với sự khéo léo của bạn sẽ giúp cho môi trường làm việc trở nên tốt hơn và chuyên nghiệp hơn về sau.