Trẻ em sinh ra không tự nhiên trở thành người tốt hay người xấu, và đã là cha mẹ thì chúng ta không bao giờ nên bỏ rơi chúng. Các con cần người lớn dạy bảo và giúp đỡ để biết quan tâm, tôn trọng, và có trách nhiệm đối với cộng đồng ngay từ thời thơ ấu.
Và đây là 5 chiến lược để cha mẹ có thể nuôi dạy con ngoan, trở thành người tử tế. Hãy cùng Làm Cách Nào đọc và tìm hiểu nhé.
Ưu tiên việc quan tâm đến người khác
Tại sao? Các bậc cha mẹ có xu hướng ưu tiên hạnh phúc và thành tích của con mình chứ không quan tâm nhiều đến việc con mình có quan tâm chia sẻ với người khác hay không. Nhưng trẻ em cần phải học cách cân bằng nhu cầu của chính mình với nhu cầu của người khác, cho dù đó là chỉ chuyện chuyền bóng cho đồng đội trong một cuộc chơi thay vì tự rê bóng vào khung thành, hay khi con quyết định lên tiếng bảo vệ một người bạn đang bị uy hiếp.
Làm cách nào? Trẻ em cần được cha mẹ chỉ bảo cho rằng việc quan tâm đến người khác là mối ưu tiên hàng đầu và là điều nên làm. Chúng ta cần đặt ra những kỳ vọng về đạo đức, cho dù điều đó có khiến các con không vui. Ví dụ, bạn có thể khuyến khích con mình tìm ra những vấn đề và giải quyết nó trước khi con quyết định rời khỏi đội bóng hay nghỉ chơi với người bạn nào đó.
Cha mẹ nên thử cách này:
Thay vì nói với con rằng: “Quan trọng nhất là con cảm thấy hạnh phúc”, bạn nên nói “Quan trọng là con đàng hoàng tử tế”.
Cha mẹ cần đảm bảo rằng các con mình luôn tôn trọng người khác, ngay cả khi con đang mệt mỏi, mất tập trung, hay tức giận.
Tạo cơ hội để các con thể hiện sự chăm sóc và lòng biết ơn
Tại sao? Không bao giờ là quá muộn để trở thành một người tốt, nhưng điều đó không tự nhiên mà có. Trẻ em cần phải thể hiện sự quan tâm chăm sóc với người khác và bày tỏ lòng biết ơn đối với những người chăm sóc cho mình. Các nghiên cứu cho thấy những bé có thói quen thể hiện lòng biết ơn có xu hướng trở thành người có ích, hào phóng, từ bi, và bao dung, và chúng cũng có nhiều khả năng trở thành người hạnh phúc và khỏe mạnh.
Làm cách nào? Học cách chăm sóc người khác cũng giống như học cách chơi một môn thể thao hoặc một nhạc cụ. Trẻ cần phải lặp đi lặp lại để trở thành thói quen, dù đó chỉ là việc giúp một người bạn làm bài tập về nhà, hay dọn dẹp nhà cửa.
Cha mẹ nên thử cách này:
Đừng thưởng cho con khi bé làm một việc gì hữu ích, chẳng hạn như dọn bàn ăn. Chúng ta nên khuyến khích trẻ giúp đỡ mọi người xung quanh một cách tự giác không đòi hỏi sự đền đáp và chỉ nên thưởng khi trẻ làm việc gì đó thật đặc biệt.
Nên trao đổi với con về những hành vi quan tâm hay vô tâm mà trẻ bắt gặp ở trong cuộc sống hay trên ti vi, truyền thông.
Nên cùng con bày tỏ lòng biết ơn hàng ngày, vào bữa tối (cám ơn mẹ đã nấu cho cả nhà bữa cơm ngon), trước khi đi ngủ, trên đường tới trường hoặc bất cứ nơi đâu. Nên bày tỏ sự cảm ơn đối với những người đã giúp con có một cuộc sống tươi đẹp.
Mở rộng phạm vi quan tâm của con mình
Tại sao? Hầu như tất cả trẻ em chỉ dành quan tâm trong một phạm vi nhỏ của gia đình và bạn bè. Khó khăn của cha mẹ là làm cách nào giúp con học cách quan tâm về một người nào đó ngoài giới hạn gia đình bạn bè: như một người bạn mới vào lớp, bên ngoài vòng tròn, một người ngoại quốc, người khuyết tật hoặc bác bảo vệ…
Làm cách nào? Trẻ cần phải học để hòa nhập, bằng cách lắng nghe và hòa nhập với môi trường xung quanh mình. Ví dụ, trẻ cần phải biết rằng các quyết định của mình có làm ảnh hưởng đến người khác không? Đặc biệt là trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, trẻ em cần phải biết quan tâm đến những người sống ở nền văn hóa khác.
Cha mẹ nên thử cách này:
Cần chắc chắn rằng con bạn thân thiện và biết ơn tất cả mọi người có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bé, chẳng hạn như là một tài xế xe buýt hoặc một người phục vụ bàn.
Khuyến khích trẻ quan tâm chăm sóc đến những đối tượng dễ bị tổn thương bằng những việc đơn giản như an ủi một người bạn cùng lớp người bị trêu chọc.
Cha mẹ nên sử dụng những câu chuyện trên báo chí truyền thông để khuyến khích trẻ suy nghĩ về những số phận kém may mắn hoặc đang sống rất khó khăn ở những nước khác.
Cha mẹ cần là một tấm gương về đạo đức
Tại sao? Trẻ học được các giá trị đạo đức bằng cách quan sát hành động của người mà các con tôn trọng. Các con cũng tiếp thu cách xử lý các tình huống đạo đức khó xử của người lớn, như “Mình có nên mời một người hàng xóm mới đến dự bữa tiệc sinh nhật của mình không, trong khi người bạn thân nhất của mình không thích cô ấy?”.
Làm cách nào? Với vai trò là người cố vấn, là tấm gương thì có nghĩa là chúng ta cần phải trở thành hình mẫu về sự trung thực, công bằng, và chăm sóc người khác. Dĩ nhiên là không ai hoàn hảo cả, nhưng bạn cần phải thừa nhận sai lầm và thiếu sót của mình trước những đứa trẻ vốn đang coi bạn là tấm gương. Chúng ta cần phải tôn trọng suy nghĩ của trẻ em và lắng nghe những quan điểm của bé.
Cha mẹ nên thử cách này:
Cần làm gương cho con bằng cách tham gia từ thiện/ phục vụ cộng đồng ít nhất một lần mỗi tháng. Tốt nhất là nên cho con cùng tham gia.
Đưa ra một tình huống đạo đức khó xử và yêu cầu con giải quyết nếu con phải đối mặt.
Hướng dẫn con kiểm soát các cảm xúc tiêu cực
Tại sao? Thường thì khả năng chăm sóc cho người khác hay bị chi phối bởi sự tức giận, xấu hổ, ghen tị, hoặc cảm xúc tiêu cực khác.
Làm cách nào? Chúng ta cần dạy trẻ em rằng tất cả những cảm xúc trên đều hết sức bình thường, nhưng con cần đối phó với chúng theo hướng tích cực. Trẻ em chưa biết cách kiểm soát cảm xúc vì vậy bạn cần phải giúp đỡ con để đối phó với những cảm xúc một cách hiệu quả.
Cha mẹ nên thử cách này:
Đây là một cách đơn giản để dạy trẻ bình tĩnh lại: yêu cầu con dừng lại, hít một hơi thật sâu qua mũi và thở ra bằng miệng, và đếm đến năm. Thực hiện cách này khi con đang bình tĩnh. Sau đó, khi thấy con đang mất bình tĩnh, nhắc con sử dụng cách này – bạn nên cùng làm với con. Sau một thời gian con sẽ có thói quen này và có thể tự kiểm soát cảm xúc hoặc bày tỏ cảm xúc của mình một cách tích cực và hợp lý.