Ở lứa tuổi 3-6 tuổi, bé bắt đầu nhận thức về thế giới xung quanh, bắt đầu đi học và mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để giúp bé xây dựng tính tự lập, đó là sự tự giác chăm sóc bản thân, tự giác trong học tập. Sau đây là bí quyết giúp ba mẹ dạy con cách tự lập ngay khi còn nhỏ, đặt nền tảng cho thành công của bé trong tương lai.
Xây dựng tính tự giác chăm sóc bản thân
Dạy bé những kỹ năng cần thiết
Trẻ em từ 3 tuổi trở lên đã dần nhận thức được mọi thứ xung quanh và bắt đầu đi học mẫu giáo, đây cũng là giai đoạn quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Trẻ ở tuổi này ba mẹ nên dạy con những kỹ năng cơ bản phù hợp và cần thiết như:
- Kỹ năng chăm sóc bản thân: ba mẹ cần hướng dẫn bé những kỹ năng chăm sóc bản thân cơ bản nhất trong các hoạt động thường ngày như vệ sinh cá nhân gồm đánh răng, rửa mặt, tự thay quần áo, dọn dẹp giường ngủ sau khi thức dậy, tự ăn uống,… Ba mẹ sẽ rất bất ngờ về tính tự giác của trẻ sau một thời gian ngắn đấy, vì bé học hỏi rất nhanh, ba mẹ vừa không còn quá bận rộn để chăm sóc trẻ mà trẻ cũng rất vui vẻ khi được ba mẹ khen ngợi.
- Kỹ năng giữ vệ sinh: Ba mẹ cần dạy cho bé biết đi vệ sinh đúng nơi, xả nước sau khi đi vệ sinh, cho quần áo bẩn vào máy giặt, nhặt rác xung quanh và bỏ rác đúng nơi quy định, dọn đồ chơi sau khi chơi xong,… Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh là điều ba mẹ nên dạy con để trở thành em bé văn minh và tự lập.
- Kỹ năng giúp đỡ người khác: Ở độ tuổi 3 – 6 tuổi ba mẹ nên dạy cho trẻ biết giúp đỡ ba mẹ và mọi người xung quanh như là những công việc nhẹ nhàng mà bé có thể giúp được như xách phụ đồ đạc, bật quạt, bật tivi, lấy chén ăn cơm, tưới cây…
Cha mẹ cần kiên nhẫn và thường xuyên khen ngợi khi dạy con
Ba mẹ khuyến khích cho con trẻ tự lập và tạo môi trường cho con rèn luyện kỹ năng sống cần thiết, đồng thời ba mẹ phải kiên nhẫn khi chờ đợi con thực hiện. Vì thời gian đầu sẽ khá khó khăn và mất thời gian. Nhưng khi bé có hứng thú hay cố gắng làm một điều gì đó vì tính tò mò hoặc cũng có thể là bắt chước người khác thì cha mẹ nên cố gắng kiên nhẫn chờ đợi xem con đã làm đúng hay chưa. Đầu tư thời gian và thái độ cho con là một trong những cách tạo cho con tính tự lập, đặt nền tảng đầu tiên cho sự thành công của bé trong tương lai.
Một điều quan trọng nữa là bé rất thích được khen. Vì thế, ba mẹ hãy luôn chủ động khen ngợi khi bé làm đúng, việc khen ngợi nên có chừng mực và hợp lý. Nếu bé làm sai, không nên chê bai mà hãy khuyến khích, động viên, hướng dẫn bé làm tốt hơn vào những lần sau.
Tạo môi trường sinh hoạt có tính tổ chức
Ba mẹ cần nhất quán trong thời gian biểu sinh hoạt trong ngày, và tuân thủ thời gian cùng với bé để bé dễ hình thành sự tự giác. Vì trẻ con rất nhạy cảm trong việc bắt chước người lớn, mọi hoạt động và việc làm của các thành viên trong gia đình đều có thể được bé ghi nhận lại một cách âm thầm và sẽ bắt chước làm theo khi nào bé học được. Ba mẹ là người làm việc có kế hoạch, có tổ chức về thời gian lẫn không gian.
Khi bé đã dần quen làm những việc chăm sóc bản thân, bố mẹ có thể cho bé từng bước tham gia vào hoạt động trong gia đình bằng cách vừa làm vừa hướng dẫn cho bé.
Xây dựng tính tự giác học tập cho bé
Song song với xây dựng tính tự giác chăm sóc bản thân, bé cũng cần xây dựng tính tự giác học tập ở giai đoạn đầu tiên đến trường. Do đó, bố mẹ cần giúp bé xây dựng tính tự giác học tập bằng những bí quyết sau:
Xây dựng góc học tập thích hợp
Ba mẹ cần xây dựng cho một bé một không gian học tập có bàn học, có đầy đủ ánh sáng và chú ý nên yên tĩnh, vì ở độ tuổi này bé rất dễ bị phân tâm nếu thấy xung quanh ồn ào, hoặc anh chị em đang chơi, trẻ sẽ không thể tập trung để học bài. Vì thế, khi có chỗ học tập yêu thích và phù hợp với bé, bé sẽ có ý thức tự giác ngồi vào bàn học, làm tăng thêm niềm yêu thích khi học tập cho bé.
Ngoài ra, ba mẹ cần tạo thói quen cho bé phải dọn dẹp góc học tập gọn gàng mỗi khi học xong, điều này sẽ giúp bé không mất thời gian dọn dẹp vào lần học tới và không cảm thấy chán nản, uể oải mỗi khi ngồi vào bàn học.
Lập thời gian biểu hằng ngày
Vì bé nhỏ tuổi nên rất khó tự giác học bài, ba mẹ nên hỗ trợ bé lập ra thời gian biểu hằng ngày, cân bằng giữa thời gian học và thời gian nghỉ ngơi cho bé. Tốt nhất là chia thời gian học từ 20-30 phút xen kỹ với thời gian giải lao. Không nên bắt trẻ học liền từ 1-2 tiếng, không nên ép bé học quá nhiều sẽ làm bé chán nản, chậm tiếp thu bài. Những ngày cuối tuần nên để bé thư giãn thoải mái cả ngày. Việc lập ra thời gian biểu có tác dụng giúp bé lập ra ý thức học tập.
Ba mẹ là tấm gương cho bé
Khi còn nhỏ, bé rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của người lớn, đặc biệt là ba mẹ, những người gần gũi và thân thiết nhất với bé. Do đó, bố mẹ có thể làm gương cho bé, bằng cách làm việc hoặc đọc sách chăm chỉ khi bé đang học, từ đó bé sẽ dần hình thành thói quen tự giác học nghiêm túc. Không nên cười đùa hoặc xem tivi gần chỗ bé học vì sẽ làm bé mất tập trung.
Ngoài ra, việc học ở bé nhỏ tuổi cần phải thoải mái để bé giữ được niềm yêu thích học tập. Không nên so sánh bé với bạn đồng trang lứa vì sẽ làm bé mất tự tin, không tạo áp lực học tập cho bé, tuyệt đối không nên la mắng, trách móc nặng nề vì sẽ làm bé căng thẳng, không thể tập trung học. Nếu bé hiểu bài, làm bài tốt, ba mẹ cần khen ngợi bé, nhưng đừng khen quá nhiều sẽ làm bé tự cao.
Trẻ em có kỹ năng sống tự lập sẽ đạt được vô vàn lợi ích. lamcachnao.vn hy vọng đã mang lại cho các bạn những thông tin bổ ích nhất. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.