Tắc tia sữa – nỗi đau được nhiều chị em ví rằng chỉ thua cơn đau đẻ. Thế nhưng đau đẻ thì chỉ đau một lần, còn tắc tia sữa thì lặp đi lặp lại trong suốt quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Cơn đau giống như một bộ phim dài tập mà mẹ sữa nào cũng ngán ngẩm khi nhắc đến.
Hãy cùng lamcachnao.vn tìm hiểu tường tận và tham khảo những bí quyết làm thế nào để thoát khỏi cơn ác mộng tắc tia sữa này nhé!
Nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa
Tắc tia sữa có 101 nguyên nhân và 7 7 49 loại khác nhau, không loại nào giống loại nào, không mẹ nào giống mẹ nào.
Nhẹ thì tắc tia, sữa ứ đọng không chảy ra được tạo thành mảng gây đau nhức, để lâu sẽ hành sốt. Nặng thì bị tắc sữa nhiễm khuẩn, có mủ trong vú, thậm chí có mẹ bị áp xê phải phẫu thuật là chuyện chẳng hiếm gặp.
Nhiều chị em làm mẹ lần đầu, mọi thứ còn quá mới mẻ mặc dù đã nghiên cứu đủ loại tài liệu từ khi mang bầu. Chính vì thế dẫn đến nhiều lầm tưởng là nguyên nhân gây tắc tia sữa.
- Mới sinh con: sau khi sinh, một số người gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Sữa đã có nhiều trong bầu ngực nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được. Việc ứ đọng sữa dẫn đến vú căng cứng và có thể khiến bạn bị sốt nhẹ.
- Sữa mẹ dư thừa: hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân gây tắc tia sữa là vì sữa mẹ còn thừa ở trong bầu ngực do em bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.
- Ngực chịu áp lực: việc bạn mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc. Ngoài ra, việc nằm sấp khi ngủ và tập luyện thể thao cũng gây ra tình trạng tương tự.
- Ít hút sữa ra ngoài: nếu ít hút sữa hoặc hút không hết sữa, bạn dễ gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Lực hút của máy yếu không thể hút hết sữa ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị tắc tia sữa.
- Con ngậm vú mẹ sai tư thế: khi bé ngậm vú mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.
- Mẹ không cho bú thường xuyên: khi không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày cũng có thể dẫn đến tình trạng bị tắc tia sữa.
- Stress: tâm trạng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể. Việc sản xuất sữa cũng không nằm ngoài điều đó. Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin giúp vú bạn giải phóng sữa.
Biểu hiện khi bị tắc tia sữa
Bạn có thể chú ý đến một số khu vực của vú có hiện tượng cương cứng và khó chịu là khởi đầu của tắc tia sữa. Ngoài ra, tắc tia sữa còn có những biểu hiện như:
- Đau, tức ngực nhẹ
- Các nốt sần nhỏ nổi trên ngực
- Ngực sưng đỏ
- Một số khu vực ở ngực có cảm giác ấm nóng bất thường khi chạm vào
Vậy khi bị tắc tia sữa cần phải làm gì?
- Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia
Ở một số bệnh viện lớn chuyên về sản khoa như Hạnh Phúc, MêKông, Từ Dũ,… có khoa nhũ chuyên điều trị các vấn đề liên quan đến tuyến vú. Bạn có thể liên hệ để được chữa trị.
Ngoài ra hiện nay có các trung tâm, các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh có thể cử nhân viên thông tắc tia sữa đến tận nhà. Với dụng cụ chuyên nghiệp, họ sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề giúp bạn thông tia nhanh chóng, không phải chịu đựng những cơn đau hay bị hành đến phát sốt.
- Nhờ bạn bè, người thân
Bạn bè, người thân trong gia đình, những người đã có con hầu như ai cũng từng trải qua những cơn đau do tắc tia sữa nên rất giàu kinh nghiệm và có cách giải quyết nhanh chóng.
- Tự thân vận động
Nhiều trường hợp bạn bè người thân ở quá xa hoặc không quen ai có kinh nghiệm trong việc này, bạn đành phải tự mình cứu lấy mình. Đừng quá lo lắng mà dẫn đến stress, chỉ cần ghi nhớ những cách thức sau đây:
- Cho bé bú bên ngực bị đau trước: Nếu bầu vú không quá đau đớn, bạn nên cho con bú ở ngực bị tắc tia sữa trước bởi lúc này con sẽ bú bằng lực mạnh nhất để hút sữa mẹ, nhờ đó giúp khai thông các tia sữa bị tắc.
- Chườm ấm quanh bầu ngực có thể giúp sữa chảy đều đặn hơn.
- Thay đổi tư thế cho con bú: Nếu thường xuyên bế con khi cho bé bú, bạn có thể chuyển sang tư thế ôm banh hoặc nằm xuống. Điều này sẽ giúp sữa trong các tia được hút hết ra ngoài.
- Xoa bóp: Các chuyên gia khuyên bạn nên xoa bóp vùng ngực đau thường xuyên và đều đặn. Hãy bắt đầu từ bầu vú hướng dần vào trong núm vú. Áp dụng biện pháp chườm ấm trước khi cho con bú có thể giúp khai thông các tia sữa, hỗ trợ giảm đau và sưng.
- Chế độ dinh dưỡng: Hãy uống thật nhiều nước, đồng thời bổ sung những loại thức ăn có khả năng tăng cường sức đề kháng.
- Nghỉ ngơi: Tuy bạn khó có thể nghỉ ngơi khi phải chăm sóc con cả ngày nhưng điều này lại rất quan trọng. Khi bé ngủ, bạn hãy cố gắng chợp mắt cùng con. Ngoài ra, để tiết kiệm sức lực, bạn có thể để những đồ đạc thường xuyên sử dụng ở gần mình, chẳng hạn như tã lót, đồ chơi, bình sữa… Nếu có thể hãy nhờ người thân trông con hộ để được nghỉ ngơi.
- Sử dụng máy hút sữa: máy hút có cơ chế hoạt động khá giống khi cho bé bú trực tiếp với lực mạnh hơn sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng tắc tia sữa.
- Các bài thuốc dân gian có thể giảm phần nào tình trạng tắc tia sữa đã được một số mẹ áp dụng và thành công như: lá đinh lăng, bắp cải, xôi nếp và men rượu, lá mít, lá bồ công anh.
Sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp trên nhưng vẫn không hiệu quả, bạn hãy đến bệnh viện để được hỗ trợ về y tế. Tình trạng tắc tia sữa có thể là dấu hiệu của bệnh viêm tuyến vú và cần được điều trị bằng kháng sinh nếu bị nhiễm trùng.
Bác sĩ có thể chỉ định bạn siêu âm để biết được những vùng tia sữa bị tắc nghẽn. Từ đó sẽ đưa ra được phương pháp can thiệp giúp thông tia sữa hiệu quả.
>> xem thêm: Hướng dẫn cách thụ tinh nhân tạo có khả năng thành công cao nhất