Đối với người ngoài, tiếng khóc trẻ con lúc nào cũng như nhau: to, dai dẳng và nhức óc. Nhưng khi đã là một người mẹ, bạn sẽ phải học cách nghe hiểu từng kiểu khóc của con – từ gào thét, nức nở cho đến rên rỉ, đó là chưa kể có khi bạn vừa nhận ra thôi, bé đã lại dùng tiếng khóc của mình theo kiểu khác rồi. Thật khó khăn phải không nào?
Vậy đây chính là cẩm nang cho bạn, giúp bạn hiểu điều gì làm con khóc, làm sao để dỗ con cũng như giúp mọi người xung quanh đỡ đau đầu nhức óc hơn.
Bé từ 6 đến 12 tháng tuổi
Vào khoảng 6 tháng tuổi, con bắt đầu phát hiện ra rằng bé có thể khóc để được bạn đáp lại. Nó cũng giống như việc bé phun phì phì và ném thức ăn lung tung để xem bạn dọn dẹp rất ngộ (trong mắt bé), hoặc giơ tay ra để được bế lên. Bé đã bắt đầu ghi nhận một loạt các dữ liệu về nguyên nhân và hệ quả. Đây cũng là lúc bạn có thể nhận ra một số thay đổi tính cách: một nhóc tì khóc ầm nhà có thể sẽ trở nên rất vui vẻ, hoặc một em bé sơ sinh ít la khóc có thể trở nên hơi khó gần và khó chiều.
Nếu một đứa bé 6 tháng tuổi khóc dai dẳng mà bạn chẳng hiểu vì sao, rất có thể bé đang trải qua một cột mốc rất quan trọng đầu đời, đó là mọc cái răng sữa đầu tiên. Mọc răng thường khiến bé đau và khó chịu, và bé sẽ chuyển tải cảm xúc này của mình bằng cách khóc.
Không chỉ vậy, em bé của bạn cũng chưa thể hiểu được một khái niệm gọi là sự hiện hữu vật thể. Khi còn là trẻ sơ sinh, việc bạn rời phòng không làm ảnh hưởng đến bé bởi vì bé không thực sự hiểu rằng mẹ đang biến đi đâu mất, nhưng giờ đây, bé có thể bối rối về việc bạn ở đâu và bạn có trở lại không. Khi không thể gọi bạn hoặc hỏi bạn đi đâu, bé sẽ dùng đến “vũ khí” duy nhất của mình – là khóc – để gây chú ý. Và bé sớm nhận ra rằng khi bé khóc, bạn sẽ chạy lại bên bé.
Đến lúc này, bạn đã có thể phân biệt các kiểu khóc khác nhau của bé. Nhưng nếu bạn không thể, đừng quá lo lắng về điều đó. Thật hoang đường nếu cho rằng mọi bà mẹ đều hiểu rõ con mình muốn gì qua tiếng khóc của con.
Làm gì khi con khóc?
Dạy bé tự xoa dịu bản thân
Bạn có thể dễ dàng biết là bé chỉ khóc ré lên rồi thôi hay sẽ khóc dai dẳng; nếu không có gì nghiêm trọng, khẩn cấp, việc tập cho con cũng như cho con cơ hội tự dỗ mình bình tĩnh lại sẽ là một bài học giá trị cho bé. Nếu con khóc mỗi khi bạn rời khỏi phòng, trò chơi ú òa đơn giản sẽ dạy cho bé về khái niệm tồn tại và hiện hữu của sự vật, và bé rồi sẽ nhận ra là bạn vẫn ở gần bé. Bé sẽ vẫn khóc đòi bạn đấy, nhưng không phải là bất cứ lúc nào bạn rời đi nữa.
Thay đổi từng thứ một tại một thời điểm
Thỉnh thoảng các bé muốn nhìn một bức tường khác hay thử một món đồ chơi khác, khi con bạn khóc, đừng cuống cuồng đưa bé hết thứ này đến thứ khác hoặc bế đi vòng quanh các phòng. Hãy làm mọi thứ tuần tự và chậm rãi để con còn kịp nhận biết.
Thử ra dấu
Ngôn ngữ ký hiệu có thể giúp bé nói lên nhu cầu của mình mà không cần phải rơi nước mắt. Hãy dạy con ra dấu cho những nhu cầu chính của bé “uống”, “ăn” và “thêm nữa” để bé có thể nói chuyện với bạn theo cách đỡ… “đau khổ” hơn.
Bé từ 12 đến 24 tháng tuổi
Giờ thì bé đang luôn tay luôn chân, phát triển và hoàn thiện kỹ năng vận động và giao tiếp của mình với một tốc độ đáng kinh ngạc. Trẻ ở tuổi chập chững rất hứng thú với việc khám phá thế giới quanh mình nhưng vẫn sợ phải xa mẹ. Có nhiều cách để bé đối phó với chuyện này, và không loại trừ đến cách “truyền thống”… là khóc.
Đó là chưa kể trẻ mới biết đi dù đã có thể kiểm soát nước mắt của mình tốt hơn, nhưng đôi khi vẫn chưa thể với tới được những trông đợi của bố mẹ. Chẳng hạn, việc đi ngủ chẳng là gì to tát với người lớn, nhưng bé có thể đối mặt với nhiều thứ đáng sợ diễn ra trong trí tưởng tượng của mình mà bé không thể tự chế ngự được. Và khi không biết phải làm thế nào, bé cũng sẽ khóc. Nhưng tin tốt là, đối với trẻ con tuổi chập chững, tiếng khóc thực sự có ích và đáng trông đợi. Bé sẽ học được nhiều điều qua những giọt nước mắt và nhờ đó sẽ khôn lớn từng ngày.
Làm gì khi con khóc?
Tập đối phó với một “đối thủ” tinh vi hơn
Khi còn ẵm ngửa, bé sẽ khóc khi đói, mệt hoặc bệnh, và bạn có thể dỗ nín dễ dàng (và đôi khi còn có thể ngăn chặn nó) với thức ăn, sự dỗ dành và âu yếm. Nhưng khi đã vào tuổi chập chững, cục cưng của bạn đã nhận ra “quyền năng” tiếng khóc của bé đối với bạn và có thể biết dùng tiếng khóc của mình để điều khiển người lớn. Bạn hãy bình tĩnh trước những cơn gào khóc của con, đừng để bị “đánh hơi” thấy được sự hoảng loạn của bạn khi bé cất tiếng khóc.
Tập trung vào con, còn mặc kệ những người khác
Ít có thứ gì gây lúng túng hơn việc ở giữa nơi công cộng với một đứa trẻ gào khóc không ngừng. Dù khó nhưng bạn đừng bận tâm đến những người xung quanh đang ném cái nhìn khó chịu và những câu bình luận không thiện chí vào bạn; nếu không, bạn sẽ có nguy cơ làm bất cứ điều gì để “bịt miệng” con, mà đây chẳng phải là một chiến lược hay về lâu về dài. Hãy tìm một chỗ yên tĩnh để dỗ dành con thật riêng tư.
Dạy con nói, thay vì khóc
Bạn sẽ phải nói đi nói lại hàng tỉ lần trong những năm tới đây, nhưng việc đó không phải là thừa, bạn đang dạy con cách gắn được từ ngữ vào cảm xúc của mình. Để làm được điều đó, bạn cũng cần làm mẫu bằng cách nói với con về điều bạn cảm thấy, chẳng hạn: “Mẹ đang khó chịu quá vì mẹ bị đau bụng.”
Bạn có thể dạy con nói những câu yêu cầu đơn giản thay vì gào khóc và giúp con hiểu được rằng như vậy bố mẹ sẽ dễ hiểu được con muốn gì hơn. Hãy thử nhớ lại tuổi thơ của bạn xem, còn điều gì quan trọng với trẻ hơn là được bố mẹ hiểu đúng ý mình?