Ném đồ đạc là một trò thú vị với nhiều đứa trẻ trong khoảng 18 tháng đến 3 tuổi. Việc này đòi hỏi kỹ năng vận động tinh tốt – bé cần mở ngón tay, thả một vật gì đó đi – cũng như khả năng phối hợp tay và mắt đủ để có thể thật sự ném được. Một việc thú vị như vậy, chẳng trách mà con muốn luyện tập nhiều.
Đó là chưa kể con còn có thể học được từ việc này nữa chứ: con phát hiện ra được rằng dù bé ném thứ gì đi nữa thì nó cũng rơi xuống chứ không rơi lên. Bé chưa biết được về khái niệm như trọng lực, lực hút, nhưng đã có thể quan sát được một số hiện tượng xảy ra như quả bóng ném thì sẽ nảy lên còn ném quả chuối thì sẽ “chèm bẹp”.
Tất nhiên, chuyện đồ ăn bay lung tung hoặc chuyện đồ đạc vương vãi chẳng khiến bạn thích thú gì, thậm chí tức xì khói, nhưng với con, chuyện này cực kỳ vui luôn. Cùng Làm Cách Nào đi giải bài toán này nhé.
Theo chuyên gia, trừ khi con bạn ném đá vào cửa số hoặc thật sự đe dọa làm người khác bị đau, còn không bạn đừng phạt con. Việc cố gắng ngăn cấm con ném đồ ở tuổi này không có hiệu quả đâu, nên để đôi bên cùng có lợi, bạn hãy thử tham khảo một số lời khuyên sau:
Cho con được ném
Con bạn sẽ hiểu được việc bé không được ném đồ lung tung một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn nếu bé biết mình được cho phép – và khuyến khích – ném gì. Chẳng hạn bạn cho con được ném bóng (nên là bóng xốp, bóng mềm để giảm thiểu thiệt hại ở trong nhà), hoặc được ném tất vào rổ, hoặc được cùng bạn ném sỏi vào hồ…
Làm như vậy, bạn giúp con hiểu rằng việc bạn không cấm đoán con chơi, miễn là bé ném đúng thứ, ở đúng nơi, và đúng lúc. Khi con ném thứ gì đó không nằm trong danh mục cho phép, chẳng hạn như ném giày, hãy bình tĩnh lấy nó khỏi tay con và nói, “Giày không phải là để ném con à, bóng mới để ném chứ,” và sau đó đưa cho bé một quả bóng để chơi.
Ngăn chặn sự hung hăng
Bạn nên làm gì khi con ném thứ không được phép? Nếu có thể được, bạn hãy cố gắng lờ đi vài lần để con biết bé sẽ không thu hút được sự chú ý của bạn bằng cách làm việc hư như vậy, và sẽ không lặp lại lần nữa.
Còn nếu con làm đau người khác bằng cách ném đồ vào người họ, hãy phản ứng một cách nhất quán – hãy nói, “Không được, làm thế là đau người khác,” đưa con tách khỏi nhóm bạn, để bé phải đứng 1 mình nhằm nhấn mạnh từ “Không!” và cũng để bé quên đi cơn hung hăng trước đó. Nhưng khoảng thời gian phạt không nên quá dài, hãy theo quy tắc mỗi tuổi ứng với một phút để bé không quên mất vì sao mình lại phải đứng yên thế này.
Nếu con không chỉ ném đồ vào người khác mà còn ném một cách giận dữ, hãy dạy và khuyến khích bé thể hiện cảm xúc của mình bằng lời nói. Hãy nói, “Nếu con giận bạn Ti thì hãy bảo với bạn như thế,” hoặc, “Hãy nói với mẹ khi con giận.” Nếu con vẫn ném đồ đạc làm đau người khác, kể cả khi bạn đã cố gắng ngăn lại thì bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài luôn giám sát con.
Bạn có thể bằng giọng điệu cho con biết rằng bạn không vui vì hành vi của bé, nhưng đừng để cơn giận quyết định cách phản ứng của bạn. Hãy cố đừng quát tháo con, và đừng bao giờ đánh bé – kể cả là đánh vào tay.
Buộc đồ chơi vào ghế của con
Khi bạn để con ngồi trong xe đẩy, hãy buộc vài món đồ chơi trong tầm tay với của bé (bạn buộc bằng đoạn dây ngắn và gọn gàng để tránh nguy cơ bé vô tình bị dây quấn qua cổ). Con bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng ngoài việc ném đồ đi, bé còn có thể thu chúng lại – vậy là gấp đôi trò vui cho con, và giảm một nửa việc cho bạn.
Cùng nhau dọn dẹp
Bạn đừng bắt con phải dọn dẹp mọi thứ mà bé quăng quãi ra, vì thật sự đó là một nhiệm vụ hơi quá sức. Thay vào đó, hãy cùng dọn với con, “Xem xem hai mẹ con mình cùng dọn thì có nhanh không nào,” hoặc “Con lấy giúp mẹ cái vxe màu vàng cho vào giỏ này nào.”
Làm gương tốt
Để làm gương tốt cho con, bạn không phải quá căng thẳng tránh những việc như ném gối dựa lên sofa; ngược lại, bạn có thể dùng việc này để để cho con thấy thứ gì thì được ném còn thứ gì thì không. Lần sau, khi con ném thứ gì đó đáng ra không được ném, hãy cùng bé đi quanh nhà để “giải tỏa” bằng cách ném khăn giấy bẩn vào thùng rác, hoặc đồ chơi vào rổ…
Ngồi cạnh con khi bé ăn
Giai đoạn đầu khi con mới tự ăn chắc chắn là bầy bừa bẩn lắm, nhưng bạn luôn có thể ngăn chặn tình huống xấu nhất bằng cách ngồi cạnh khi con ăn. Như vậy, bạn có thể ở đúng vị trí để nhẹ nhàng nhưng cương quyết nói không khi con định ném thức ăn, và giữ bát của bé lại nếu cần thiết.
Không chỉ vậy, ngồi cạnh khi con ăn còn giúp bé đỡ buồn chán, bạn có thể nói chuyện và phát triển khả năng ngôn ngữ của con. Và bạn cũng đảm bảo được việc con kỹ nhai thức ăn trước khi nuốt để tránh bị hóc, nghẹn.Hãy dùng bát đĩa nhựa, không dễ vỡ, đừng bao giờ dùng đồ gốm sứ hoặc những loại bát đĩa đắt tiền để cho con ăn. Nếu cần, bạn có thể tìm cách gắn bát đĩa của con xuống bàn / ghế ăn để tránh bé ném hết tất cả bay vèo vèo.
Dọn những phần ăn nhỏ
Con sẽ có ít “đạn” để ném hơn nếu bạn chỉ dọn lên cho con những phần thức ăn bốc với lượng nhỏ, không xúc thêm khi bé chưa ăn hết phần trong bát của mình. Bạn đừng ép con phải ăn nhiều hơn mức mà bé muốn trừ khi bác sỹ nói rằng bé có vấn đề với sự phát triển.
Hầu hết trẻ con sẽ không bắt đầu ném thức ăn cho đến khi bé đã ăn xong hoặc chán nên bạn hãy ghi nhận việc nghịch thức ăn như dấu hiệu cho thấy con đã ăn xong, và cho phép bé rời khỏi bàn.
Nếu một chút thức ăn có bị vung khỏi tay con, dù là vô tình hay cố ý, cũng hãy cố gắng hiểu cho. Quả thật chuyện làm rơi thức ăn xuống sàn gây bực mình thật, nhưng chúng ta ai chẳng từng có đôi lần nhỡ tay làm rơi gì đó.