Huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp là một bệnh lý có thể xảy ra trong thai kỳ. Tăng huyết áp thai kỳ sẽ gây ra nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi, vì vậy bệnh cần được phát hiện sớm, kiểm soát và điều trị kịp thời. Mọi mẹ bầu cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tăng huyết áp thai kỳ, cùng lamcachnao.vn tìm hiểu ngay nhé!
Huyết áp cao khi mang thai
Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch khi tim co bóp để bơm máu đi khắp cơ thể.
Tăng huyết áp thai kỳ là huyết áp cao khởi phát vào nửa sau của thai kỳ, tức là khoảng sau tuần thứ 20 ở phụ nữ có chỉ số huyết áp trước lúc mang thai hoàn toàn bình thường. Trong quá trình mang thai, tăng huyết áp nặng hoặc không kiểm soát có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho mẹ bầu và thai nhi.
Tăng huyết áp trong thai kỳ được xác định như sau:
- Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương lần lượt là 120/80 mmHg.
- Huyết áp bình thường cao: huyết áp tâm thu khoảng 120-129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: huyết áp tâm thu khoảng 130-139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương dưới 80-89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Tăng huyết áp thai kỳ gồm các thể lâm sàng sau:
- Tăng huyết áp mãn tính
- Tăng huyết áp thai kỳ
- Tiền sản giật
- Tăng huyết áp mãn tính công với tăng huyết áp thai kỳ
- Tăng huyết áp không phân loại được trước sinh
Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Mỗi thai phụ có thể gặp các triệu chứng khác nhau, nhìn chung các triệu chứng phổ biến nhất đó là:
- Cao huyết áp
- Sưng, phù nề
- Tăng cân đột ngột
- Ảnh hưởng đến thị giác như nhìn mờ, nhòe hoặc nhìn đôi
- Buồn ôn, nôn ói
- Đau quanh dạ dày hoặc đau bụng bên phải
- Đi tiểu với lượng ít
- Chức năng gan và thận thay đổi
- Không có hoặc có protein trong nước tiểu
Những nguy cơ của huyết áp cao khi mang thai
Huyết áp cao trong thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận và đột quỵ vì tim và thận của mẹ bầu phải làm việc căng thẳng hơn.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi vì huyết áp cao có thể làm giảm dòng dưỡng chất nuôi bé qua nhau thai. Khi nhau thai không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi có thể dẫn đến sinh non.
Nguy cơ tiền sản giật sẽ thường xảy ra nhiều hơn ở những thai phụ có huyết áp cao mãn tính so với những sản phụ có huyết áp bình thường.
Nguy cơ bị nhau bong non – là hiện tượng xảy ra khi nhau thai sớm tách ra khỏi thành tử cung. Nhau thai bong non rất nguy hiểm, mẹ bầu cần được cấp cứu ngay lập tức.
Tỷ lệ mẹ bầu bị tăng huyết áp có khả năng phải sinh mổ cao hơn những mẹ bầu có huyết áp bình thường, theo đó là những rủi ro của sinh mổ như nhiễm trùng, tổn thương nội tạng và chảy máu trong cuộc mổ,…
Điều trị cao huyết áp khi mang thai
Thai phụ cần được theo dõi huyết áp một cách sát sao và xuyên suốt thai kỳ. Mẹ bầu sẽ được siêu âm định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi, trong trường hợp nghi ngờ có vấn đề về sự phát triển thai nhi, thông thường trong 3 tháng cuối, sẽ có các xét nghiệm để theo dõi sức khỏe cho bé.
Điều trị không dùng thuốc:
Điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, lựa chọn những thực phẩm có lợi, an toàn.
Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, tăng cường tập luyện thể dục, vận động nhẹ nhàng như yoga, bơi lội,… xen kẽ với thời gian nghỉ ngơi thư giãn thích hợp.
Điều trị dùng thuốc:
Điều trị tăng huyết áp nhằm giảm nguy cơ biến chứng cho mẹ bầu, các thuốc hạ huyết áp phải hiệu quả và an toàn cho thai nhi.
- Điều trị tăng huyết áp nhẹ, trung bình: Các loại thuốc được lựa chọn là ức chế beta, ức chế canxi và methyldopa. Trong đó ức chế beta có thể sẽ ít hiệu quả hơn ức chế canxi, vì có thể gây nhịp tim chậm ở thai, chậm tăng trưởng, hạ đường huyết. Magnesium sulfate đường tĩnh mạch được khuyến cáo phòng ngừa tiền sản giật, nhưng không nên sử dụng đồng thời với ức chế canxi vì có nguy cơ tụt huyết áp do tác dụng hiệp đồng. Cần tránh sử dụng Atenolol.
- Điều trị tăng huyết áp nặng: Cần đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, có hướng điều trị thích hợp. Mẹ bầu sẽ được cấp cứu và chỉ định nhập viện khi thấy huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương lần lượt ≥ 170/110 mmHg. Được khởi trị bằng thuốc với labetalol đường tĩnh mạch, methyldopa hoặc nifedipin đường uống. Lựa chọn thuốc khi tiền sản giật có phù phổi là nitroglycerin (glyceryl trinitrate) truyền tĩnh mạch. Các loại thuốc bị chống chỉ định là ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin và ức chế trực tiếp renin.
Chúc các mẹ bầu luôn khỏe mạnh và có một thai kỳ như ý. Làm Cách Nào hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo nhé!