Thật khó để tưởng tượng rằng sinh linh bé bỏng mới chào đời của bạn ngày nào giờ đây đang biến thành một đứa trẻ ngang ngạnh hỗn xược. Nhưng đó là sự thật bạn ạ, ngay cả những đứa trẻ ngoan nhất cũng có thể sinh hư khi bước vào một độ tuổi nào đó. Và trách nhiệm của bạn – người làm cha mẹ, là quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, tập kỉ luật cho con đúng cách.
Ngoài sự yêu thương chăm sóc, bạn cũng cần có những phương pháp kỷ luật con đúng đắn và phù hợp độ tuổi khi bé có những hành vi sai trái.
Có lẽ bạn cũng thấy rằng việc nuôi dạy con dường như đang ngày càng mang tính thách thức đối với các ông bố bà mẹ chúng ta.
Là một ông bố bà mẹ thông minh, bạn cần trang bị những hiểu biết về tâm lý con trẻ cùng với những kinh nghiệm dạy con đúng cách.
Hãy tham khảo những bí quyết dưới đây mà Làm Cách Nào đã liệt kê ra để tích góp thêm hành trang cho sự nghiệp làm cha mẹ của mình bạn nhé!
Tập kỉ luật cho con ở độ tuổi chập chững biết đi
Đối với trẻ 10-12 tháng tuổi, bạn chỉ nên nói “không” và khẻ nhẹ vào tay bé để dạy con những điều cần thiết. Chẳng hạn như để dạy bé không tò mò tọc mạch những đồ vật nguy hiểm, dễ vỡ, dễ cháy, hoặc dạy bé không bỏ tay và các thứ khác vào mồm vì chúng có thể khiến bé mắc nghẹn hay ngộ độc.
Tuy nhiên, kể từ khi bé chập chững biết đi, bạn cần phải nghiêm khắc hơn với con nhé. Bạn cũng nên nhớ rằng sự ngang bướng của bé thường xuất phát từ những vấn đề khác như sợ hãi, đau bệnh hoặc cảm giác choáng ngợp với môi trường xung quanh. Và bé đơn giản chỉ là không ý thức được những việc mình làm mà thôi.
Và dù là vì lý do gì, những lúc bé ngang bướng, trước tiên bạn nên nói con dừng lại và hướng bé đến những hoạt động tích cực khác. Bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian để nhắc nhở bé nhưng nếu bé vẫn tiếp tục nghịch phá hoặc ngang bướng, bạn có thể thử áp dụng các cách sau:
- Bế bé đi chỗ khác
- Nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, bạn ôm bé vào lòng, điềm tĩnh nói chuyện với bé và lặp lại những điều bạn muốn bé vâng theo bằng giọng điệu trấn an nhưng cũng thật nghiêm nghị.
- Sử dụng hình phạt “time-out”: phạt bé ngồi yên một góc riêng biệt trong vài phút để bé tự bình tĩnh trở lại, chấm dứt hành vi xấu. Thời gian phạt là 1 phút cho mỗi năm tuổi của bé.
- Tịch thu những đồ chơi dẫn đến sự ngang bướng của bé.
Khi con ở tuổi mẫu giáo
Đến tuổi mẫu giáo, bé cưng của bạn đã có khả năng nhận thức đúng sai và có thể chịu trách nhiệm cho hành vi của mình rồi đấy. Và dĩ nhiên, hình phạt của bạn cần phải phù hợp với lứa tuổi và lỗi sai của bé.
Một điều quan trọng mà bạn cần nhớ là ở độ tuổi này, bé thường có khuynh hướng bắt chước các hành động của bố mẹ.
Bé có thể sẽ vì bắt chước mẹ mà lục tung đồ trang điểm, lục lọi đồ đạc trong nhà, vào bếp, lau sàn,… Trường hợp này, bạn không nên phạt con vì có thể bé chỉ có ý muốn giúp đỡ mẹ mà thôi. Bị phạt lúc này sẽ khiến bé bất an và bối rối vì “giúp đỡ bố mẹ là việc xấu hay sao?”. Bé chẳng nhận thấy mình đã làm sai đâu bạn ạ!
Tuy nhiên, bạn cần phạt bé khi bé có những hành vi sau:
- Đánh bạn
- Tham ăn, ích kỷ
- Bắt nạt bạn
- Nói dối, gian lận
- Hỗn xược, cãi lời người lớn
- Không vâng lời
Những hình phạt phù hợp với con ở tuổi mẫu giáo:
- Nói chuyện với con về lỗi sai của bé: tại sao nó không đúng? Bé cần làm gì để chuộc lỗi?… và dặn dò bé không được lặp lại lỗi này nữa.
- Bế bé đi chỗ khác
- Tịch thu một món đồ chơi ưa thích của bé, phạt không cho xem tivi, hoặc tước bỏ một quyền lợi nào đó của bé.
Khi con ở độ tuổi tiểu học
Bạn biết đấy, tuổi này là tuổi bé bắt đầu ưa thích tự lập. Vì thế bạn rất nên cho bé sự tự do nhất định ở những tình huống và mức độ phù hợp.
Bạn cần tập cho bé tính tự lập nhưng đồng thời cũng phải dạy bé tôn trọng các giới hạn và quyền lợi được đưa ra.
Bạn có thể cho phép bé đi chơi riêng với bạn bè, cho bé tiền tiêu vặt, cho phép bé dùng một khoản tiền nhất định theo ý muốn của bé, để bé tự lựa chọn trang phục và tự quyết định các hoạt động bé muốn tham gia (với lý do chính đáng). Đặc biệt, bạn rất nên để bé tự do theo đuổi những đam mê và sở thích lành mạnh nữa nhé!
Tuy nhiên, khi bé phạm lỗi, bạn cần nghiêm khắc với bé và có những hình phạt phù hợp với tuổi của bé như:
- Thu hồi quyền lợi của bé
- Yêu cầu bé làm những việc tốt để chuộc lỗi
- Phạt bé làm việc nhà
- Bắt bé nói xin lỗi để thể hiện mình đã biết lỗi
Khi con đã lớn hơn
Ở tuổi dậy thì, việc bé muốn được độc lập và riêng tư, muốn được thể hiện quan điểm và cảm xúc của riêng mình cũng như muốn khám phá và thể hiện bản thân là điều rất tự nhiên và quan trọng.
Nhưng, cũng như ở những giai đoạn khác của quá trình trưởng thành, ở tuổi này bé cần được quan tâm chăm sóc, được yêu thương và đồng thời cũng cần được dạy dỗ khiêm khắc.
Một điều quan trọng nữa là bạn cũng cần cho phép con theo đuổi những đam mê và sở thích lành mạnh của bé, đồng thời cũng hãy để bé lớn lên và trưởng thành theo nhịp độ của riêng mình, miễn là bé vẫn nằm trong khuôn phép và đang phát triển lành mạnh.
Nếu bé có khuynh hướng xấu, bạn cần điều chỉnh bé bằng các hình phạt phù hợp sau đây:
- Thu hồi quyền lợi
- Cắt tiền tiêu vặt
- Phạt làm việc nhà
- Làm việc tốt để chuộc lỗi
- Tịch thu những thứ bé ưa thích dùng như Ipad, máy tính,…
Bạn cần nhớ: Kỷ luật con nghĩa là gì?
Kỷ luật nghĩa là dạy bé biết cư xử hợp lẽ phải, giúp bé hiểu rằng bé cần chịu trách nhiệm cho mỗi hành động của mình và lãnh nhận hậu quả tương xứng cho những hành vi sai trái, từ đó giúp hình thành và phát triển nhân cách của bé theo chiều hướng tích cực. Bạn nên nhớ rằng kỷ luật không hề có nghĩa là làm cho con xấu hổ, là đánh cho bé đau, hay là để “trả đũa” bé.
Nói cách khác, một người mẹ thông minh nên có những cách kỷ luật con thật nghiêm nghị nhưng cũng đầy yêu thương và dịu dàng, nhằm mục đích dạy bé cách sống, hơn là xem việc kỷ luật con như một cơ chế áp đặt nặng nề lên cuộc sống của bé.