Trong mỗi giấc mơ của các bậc cha mẹ, những đứa con của mình luôn ăn mặc sạch sẽ và luôn cư xử một cách lịch thiệp không thể chê vào đâu được. Ví dụ như ở nơi công cộng, con không gào khóc đòi về, không quậy tưng mọi thứ lên, không chạy nhảy lung tung mà ngồi ngay ngắn, đứng nghiêm chỉnh, biết nói “Cảm ơn” và “Xin lỗi” rất đúng lúc, gặp người lớn thì lên tiếng chào… Điều này không chỉ chứng tỏ con ngoan, có giáo dục mà trong lòng của các bậc phụ huynh đều hiểu rõ, hành vi của con thể hiện con người của chính mình.
Thế nhưng, cách cư xử đúng mực của con không thể tự nhiên mà có, tất cả là do giáo dục tạo thành, trong đó, vai trò của ba mẹ cực kỳ quan trọng. Để có thể dạy con cách cư xử tốt, ba mẹ cũng cần tìm hiểu về các cơ sở, nền tảng của cách cư xử tốt.
Cách cư xử tốt luôn cần thiết cho những con người đang sống chung với nhau trên thế giới này. Cách cư xử tốt cũng phản ánh lòng nhân ái và một nhân cách tuyệt vời. Làm Cách Nào xin gợi ý một vài cách hữu hiệu sau đây:
Nhạy cảm, tôn trọng
Gốc rễ của cách cư xử tốt chính là tôn trọng người khác, mà gốc của sự tôn trọng chính là sự nhạy cảm.
Nhạy cảm là một trong những phẩm chất quý giá nhất mà bạn có thể thấm nhuần vào con của bạn, bắt đầu trong giai đoạn trứng nước. Những trẻ sơ sinh nhạy cảm sẽ trở thành những người biết tôn trọng người khác một cách tự nhiên, vì con quan tâm đến cảm xúc của người khác, con sẽ trở thành người lịch sự một cách tự nhiên.
Phép lịch sự của riêng mình, được hình thành với một gốc rễ sâu sắc như thế luôn ấm áp và chân thành hơn bất cứ điều gì một người có thể học được từ những quyển sách hay lý thuyết.
Ba mẹ đã nghe một số lời khuyên rằng, cần phải dạy con quyết đoán? Và ba mẹ có e ngại sự quyết đoán sẽ rất cứng nhắc? Trên thực tế, quyết đoán là một đức tính tốt và nó cũng là một đức tính độc lập với phép lịch sự cũng như cách cư xử tốt.
Dạy con từ sớm
Một đứa trẻ hai tuổi đã có thể học cách nói “Xin lỗi” và “Cảm ơn”. Mặc dù con chưa hiểu ý nghĩa thật sự của những câu này nhưng con có thể tự hiểu theo cách của mình, rằng khi làm sai gì đó hay làm phiền người khác, cần phải nói “Xin lỗi”, và sau khi được giúp đỡ hay tặng gì đó, luôn phải nói “Cảm ơn”. Song song quá với quá trình xây dựng vốn từ vựng cho con, ba mẹ cũng đã dạy cho con những quy tắc đầu tiên và cơ bản của cách cư xử.
Làm sao để con biết nói những câu này là quan trọng? Đó là khi con nhận thấy ba mẹ của mình cũng rất hay dùng những câu này. Dựa vào những tình huống thực tế cụ thể, con sẽ hiểu được cách dùng “Cảm ơn”, “Xin lỗi” trước khi hiểu được ý nghĩa.
Làm gương cho con
Con sẽ nếm được hương vị của sự lịch thiệp, của cách cư xử mẫu mực từ chính những cuộc hội thoại của/với ba mẹ mình. Chính vì thế, ba mẹ lịch thiệp, con cũng sẽ lịch thiệp. Ba mẹ sử dụng những câu “Xin lỗi”, “Cảm ơn rất nhiều”, “Không có gì đâu”, “Xin lỗi đã làm phiền”… với cả những người khác lẫn những đứa con của mình. Con sẽ học được cách cư xử đó, đồng thời hiểu được rằng, mình cần cư xử lịch thiệp với tất cả mọi người, bất kể đó là người lớn tuổi hơn, ngang hàng hay bé hơn.
Câu có chủ ngữ
Nhiều đứa trẻ hoạt ngôn, nói nhiều nhưng thường nói thiếu chủ ngữ. Câu hỏi và câu trả lời trống không không thể hiện cá tính, nó chỉ thể hiện sự vô lễ. Mà những đứa trẻ thì chắc chắn rằng không có ý xấc xược với người khác bẩm sinh.
Ba mẹ nói chuyện luôn có chủ ngữ và khi con vô tình quên điều này, dù là cố ý hay lười nói cũng đều phải nhắc nhở con. Đây là một phần quan trọng giúp con ăn nói có đầu có đuôi như một thói quen, một lẽ hiển nhiên.
Thừa nhận sự xuất hiện của con
Ở những nơi đông người, những chỗ tụ tập vui chơi, nhiều bậc cha mẹ hồn nhiên quên mất con mình, vì nghĩ “trẻ con thì biết gì”. Tuy nhiên trên thực tế, con cũng là một con người có tư duy và cảm xúc, sự lãng quên và bỏ qua của người lớn sẽ khiến con tổn thương về giá trị của bản thân, con cũng sẽ bị đứng ngoài lề trong những hoạt động nhóm vì không biết cách tham gia như thế nào.
Lúc này, chỉ có thể nói, không phải con không biết cách cư xử ở nơi đông vui mà là ba mẹ đã tước đi của con cái quyền đó.
Hãy thừa nhận sự hiện diện của con, giới thiệu mọi người cho con và giới thiệu con với mọi người, điều này không chỉ dạy con các kỹ năng xã hội mà còn cho con thấy được giá trị của mình.
Khi đưa con đến nhà người khác chơi hoặc khi nhà có khách, vì sao những đứa trẻ lại hay gây rắc rối? Vì chúng muốn gây sự chú ý. Nếu ba mẹ ngồi cạnh con, để mắt đến con và thường xuyên giao tiếp đến con, con sẽ cảm nhận được mình cũng là một phần của cuộc trò chuyện, sẽ không chán nản đến nỗi gây phiền toái.
Không ép buộc
Ngôn ngữ là một kỹ năng con được thừa hưởng từ môi trường sống chứ không phải hình thành từ sự ép buộc. Nếu ba mẹ cứ ép buộc con phải nói những lời lịch sự liên tục (trong khi ba mẹ chẳng bao giờ nói), con sẽ trở nên mệt mỏi và chán ghét những câu nói đó. Cuối cùng, con sẽ nổi loạn.
Hãy để con được nghe những lời tốt đẹp từ ba mẹ, hãy để con tự học hỏi cách cư xử phải phép từ ba mẹ, con sẽ tự quyết định cách cư xử của mình và chắc chắn rằng con sẽ cảm thấy hài lòng vì mình có thẩm quyền quyết định trong việc giao tiếp của bản thân. Làm Cách Nào hy vọng bài viết này có ích cho phụ huynh.