Với trẻ 1-3 tuổi rất dễ nổi cơn làm mình làm mẩy. Nhưng bạn hãy bình tĩnh nào, đừng vội lo lắng xa xôi, vì việc này xảy ra chủ yếu chỉ vì con chưa biết cách kiểm xoát cảm xúc của mình mà thôi. Và đó là chưa kể trẻ nhỏ đang bắt đầu hiểu được nhiều hơn những từ mà bé nghe được, nhưng lại vẫn còn bị hạn chế trong việc thể hiện ra suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bé cảm thấy ức chế cũng là điều dễ hiểu.
Hãy tham khảo vài mẹo Làm Cách Nào cung cấp dưới đây để giúp bạn kiểm soát tình hình:
Con khóc vạ bướng bỉnh, đừng mất bình tĩnh
Tất nhiên chuyện một đứa trẻ khóc lóc chẳng có gì là hay cả, đó là chưa kể còn la hét, đập tay đập chân, giãy giụa, bé cũng có thể ném những thứ trong tầm tay, đánh người khác… Tuy bạn khó chấp nhận được chuyện này nhưng khi ăn vạ, bé có thể nín thở, tím cả người và điều đó không phải là hiếm xảy ra.
Khi đang cơn ăn vạ, con sẽ chẳng thể nghe được bạn nói lý lẽ gì đâu, thế nhưng bé sẽ phản ứng lại – chủ yếu là phản ứng tiêu cực – với tiếng quát tháo hoặc đe dọa.
Bạn càng quát tháo, bé sẽ càng làm dữ hơn. Bạn cũng đừng đùng đùng bỏ ra khỏi phòng vì có thể khiến con cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Cơn bão cảm xúc mà bé đang trải qua có thể đáng sợ với chính bé, và bé sẽ cảm thấy tốt hơn khi biết có bố mẹ ở bên cạnh. Vậy nên hãy ngồi xuống cạnh con, đó là cách phản ứng tốt nhất.
Nếu bạn thấy chính mình cũng đang bốc hỏa, e rằng khó kiểm soát thì hãy cố gắng gom góp hết sự tự chủ còn lại trong người để bình tĩnh rời khỏi phòng vài phút, và quay lại khi con đã nín khóc. Bằng cách giữ bình tĩnh, bạn sẽ giúp con cũng bình tĩnh hơn.
Hãy nhớ rằng bạn là người lớn
Bất kể cơn đành hanh ăn vạ của con kéo dài thế nào thì bạn cũng đừng nhượng bộ những đòi hỏi vô lý hoặc cố gắng thương lượng với đứa trẻ đang gào khóc này.
Tuy bạn chỉ muốn độn thổ nhưng thật ra, những người có kinh nghiệm khuyên bạn hãy cố gắng đừng lo lắng về những điều mà người khác nghĩ – bất kỳ ai là bố mẹ thường cũng đã từng phải trải qua chuyện này.
Nếu con không chỉ khóc lóc mà còn đánh người khác, ném đồ vật, hoặc la hét không ngừng, hãy bế bé lên và đưa tới nơi giúp bé cảm thấy an toàn, chẳng hạn như trong phòng của bé.
Cho con biết vì sao bé lại phải ở đây (“vì con đã đánh bạn”) và cho bé biết bạn sẽ ở lại cùng cho đến khi bé có thể bình tĩnh lại.
Nếu bạn đang ở nơi công cộng – môi trường dễ khiến trẻ nhỏ bị căng thẳng, dẫn đến làm loạn lên -– hãy sẵn sàng đưa con tạm rời khỏi đó cho đến khi bé bình tĩnh lại.
Một người mẹ chia sẻ: “Khi con tôi 2 tuổi, bé đã gây loạn xì ngầu lên tại một nhà hàng chỉ vì trong đĩa mỳ của bé có rau thơm mà bé không quen ăn.
Dù tôi hiểu vì sao con cáu kỉnh như vậy nhưng để không làm phiền mọi người, tôi đưa bé ra ngoài cho đến khi bé dịu lại.”
Áp dụng hình phạt hợp lý
Khi con đã được hơn 18 tháng, thỉnh thoảng dùng biện pháp phạt đứng một mình có thể giúp bé kiểm soát tâm tính của mình tốt hơn.
Hãy đưa con đến nơi yên tĩnh, và tốt hơn nữa là nên chán chán một chút, nơi bé sẽ phải đứng một mình trong khoảng thời gian hợp lý (khoảng 1 phút mỗi tuổi), việc này sẽ giúp bé học cách tự bình tĩnh lại.
Hãy giải thích việc đang làm (“Con sẽ đứng tại đây để bình tĩnh lại, và mẹ sẽ ở ngay đằng kia.”) Nếu con từ chối đứng tại điểm phạt này và lang thang ra chỗ khác, hãy dẫn bé quay lại một cách cương quyết nhưng không cáu kỉnh.
Ngoài việc kiểm tra để bảo đảm sự an toàn của con, bạn không nói chuyện hay chú ý đến bé cho đến hết giờ phạt.
Nói chuyện sau
Khi “bão” đã tan, bạn hãy gọi con lại gần và nói chuyện về những điều vừa xảy ra. Bạn hãy nói thật đơn giản để con dễ hiểu.
Hãy công nhận sự bực bội của con và giúp bé biết cách thể hiện cảm xúc của mình thành lời bằng cách nói, “Mẹ xin lỗi vì lúc nãy đã không hiểu con.
Bây giờ con không la hét nữa thì mẹ dễ hiểu con muốn gì hơn nhiều. Con giận vì món ăn của con không giống như con muốn đúng không nào?” Cho bé thấy rằng một khi đã nói ra được cảm xúc của mình, mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều.
Hãy chú ý, lường trước để có thể cố gắng ngăn chặn những tình huống nguy cơ
Nếu con thường la hét khóc lóc khi bị đói, hãy nhớ đem theo bên mình một ít đồ ăn vặt. Nếu con thường cáu kỉnh vào lúc chiều muộn, hãy sắp xếp để đẩy các việc cần làm lên sớm hơn nếu muốn làm cùng con.
Nếu con gặp khó khăn trong việc chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, hãy báo trước về sự thay đổi sắp tới cho bé từ sớm để tránh sự đột ngột; chẳng hạn, hãy báo với con rằng các bạn sẽ chuẩn bị rời sân chơi hoặc chuẩn bị ăn tối – “Khi hai bố con đọc xong câu chuyện này thì mình cùng xuống nhà ăn tối nhé.” Bạn hãy cho con có cơ hội để thích nghi.
Không ai thích chuyện lúc nào cũng bị sai bảo phải làm việc này, việc kia cả. Con bạn đang trở nên độc lập hơn, vậy nên hãy cho bé được đưa ra lựa chọn bất cứ khi nào có thể; chẳng hạn bạn có thể hỏi con, “Con thích ăn khoai tây hay cà tốt?” thay vì ra lệnh, “Con ăn cà rốt đi.”
Nếu những trận làm loạn của con diễn ra có vẻ quá thường xuyên hoặc dữ dội, bé tự làm mình đau hoặc làm người khác đau, bạn hãy đưa con đi tìm sự trợ giúp.
Hãy trao đổi những lo lắng của bạn khi con khóc vạ bướng bỉnh với bác sỹ, và bác sỹ sẽ theo dõi thêm những mốc phát triển về thể chất, tinh thần và hành vi của con, trao đổi với bạn để xác định xem bé có vấn đề gì hay không. Nếu không, ít nhất bác sỹ cũng có thể giới thiệu với bạn vài cách hay để đối phó với tình trạng này.